Dịch vụ cho thuê trang phục và kinh doanh sản phẩm thời trang đã qua sử dụng đều được xem là những mô hình kinh doanh chính yếu cấu thành thời trang tuần hoàn. Nhưng so với sự phát triển nhanh chóng của ngành kinh doanh thời trang đã qua sử dụng, dịch vụ cho thuê trang phục vẫn đang có những bước đi thận trọng.

Trong số này, tôi muốn chia sẻ cái nhìn về mô hình cho thuê sản phẩm thời trang trên thế giới qua bài viết của Maghan McDowell đăng trên Vogue ngày 13/7/2021. Và phần chia sẻ của chị Phạm Thị Phương Uyên, nhà sáng lập và CEO Rentzy, chuyên cho thuê trang phục thiết kế tại TP.HCM về xu hướng đi thuê trang phục của khách hàng Việt.

Dịch vụ cho thuê trang phục và kinh doanh sản phẩm thời trang đã qua sử dụng là hai mô hình kinh doanh thời trang tuần hoàn được xem là bước tiếp theo của việc tiêu thụ sản phẩm thời trang trên thế giới. Trong khi thời trang đã qua sử dụng được chú ý với hàng loạt đầu tư và hợp tác từ các “đại gia thời trang” như tập đoàn Kering đầu tư vào Vestiaire Collective, Balenciaga và Simone Rocha hợp tác với The RealReal, Farfetch hợp tác với Thredup, dịch vụ cho thuê trang phục vẫn chưa nhận được sự chú ý từ ngành thời trang xa xỉ.

Nguồn: Vogue

So với thời trang đã qua sử dụng, dịch vụ cho thuê trang phục hiện đang có ít thương hiệu tham gia hơn, với tần suất sử dụng thấp hơn và chi tiêu cũng ít hơn. Lý do là tuy thương hiệu có khả năng kiểm soát quy trình cho thuê, nhưng sẽ khó khăn và tốn chi phí hơn cho việc làm sạch, sửa chữa hư hỏng và việc đổi trả thường xuyên.

Trong một nghiên cứu về xu hướng thời trang bền vững (hypothetical sustainable luxury brand), công ty tư vấn Bain & Company dự đoán rằng đến năm 2030, thời trang đã qua sử dụng sẽ chiếm khoảng 20% doanh số bán của thời trang toàn cầu, trong khi dịch vụ cho thuê trang phục chỉ chiếm khoảng 10%. Và trong báo cáo ra mắt tháng 3/2021, công ty nghiên cứu thị trường Globaldata cho rằng thời trang đã qua sử dụng, dịch vụ cho thuê trang phục (lẻ và thuê dài hạn) sẽ là nhóm phát triển nhanh nhất trong 10 năm tới. Tuy nhiên dự đoán cũng cho rằng một người trung bình chi tiêu khoảng 18% ngân sách cho thời trang đã qua sử dụng, nhưng chỉ chi ít hơn 1% cho dịch vụ cho thuê trang phục vào năm 2030.

“Tôi nghĩ các thương hiệu xa xỉ vẫn đang thận trọng vì khái niệm này còn quá mới”, Diana Verde Nieto, đồng sáng lập công ty tư vấn Positive Luxury, và cũng là đồng tác giả của bản báo cáo của Bain nêu trên. “Thời trang đã qua sử dụng thì đơn giản hơn, bạn bán và mua những thứ mình thích. Nhưng đối với việc đi thuê, bạn sẽ không có mối liên hệ về mặt tình cảm với những sản phẩm”.

Nhưng bà Nietro cũng cho rằng đối với thế hệ trẻ thì thói quen đi thuê sẽ phổ biến hơn và đây là hướng đi quan trọng cho ngành thời trang xa xỉ. Để các thương hiệu cao cấp tham gia, các công ty công nghệ về dịch vụ cho thuê đang cố gắng thuyết phục các giám đốc thương hiệu thời trang về khả năng lợi nhuận mà dịch vụ này sẽ mang lại, theo cách thời trang đã qua sử dụng vận hành. Tên gọi “dịch vụ cho thuê” có thể nên thay bằng “quyền mượn”, “quyền sử dụng” hoặc “câu lạc bộ đặc biệt” cho những khách hàng VIP. Dù quá trình cho thuê sẽ phức tạp, nhưng ngành thời trang hy vọng thế hệ Gen Z sẽ giúp các thương hiệu thấy rõ được tiềm năng của dịch vụ này trong tương lai. Tập đoàn Kering gần đây đã mua lại một cổ phần nhỏ của ứng dụng CoCoon, chuyên cho thuê túi xách, có trụ sở tại London. “Đó là một cách thử thị trường trước khi vào cuộc”, bà Nietro cho biết thêm.

Vẫn là một ngành kinh doanh xa lạ

Thredup (bán thời trang đã qua sử dụng) và Rent the Runway (cho thuê) đều được thành lập ở Mỹ vào năm 2009. Nhưng trong khi những website bán hàng đã qua sử dụng áp dụng công nghệ mới vào mô hình kinh doanh hiện tại, thì mô hình cho thuê vẫn còn rất mới. “Việc thuê dài hạn (dành cho khách hàng trả định kỳ để thuê xoay vòng các bộ sưu tập) còn càng mới mẻ hơn”, bà Anya Cheng, cựu nhân viên Social Commerce của Facebook và hiện là nhà sáng lập Taelor, công ty cho thuê trang phục dành cho nam giới, nhận xét.

Điều này cũng đúng cho các thị trường khác. “Các nhà quản lý cấp cao cũng đang thăm dò thị trường với không nhiều kỳ vọng và kiến thức về mô hình này. Chúng tôi chậm hơn đến 7 năm so với thị trường Mỹ nên còn nhiều việc phải làm”,Isabella West, nhà sáng lập và CEO của Hirestreet, công ty cho thuê trang phục ở Anh vào năm 2018. Bà hy vọng những thành công khi tham gia vào thời trang đã qua sử dụng sẽ tạo sự tự tin cho dịch vụ cho thuê. “Ban đầu các thương hiệu cũng nói là thời trang đã qua sử dụng sẽ không có cơ hội, nhưng thực tế chứng minh điều ngược lại. Và bây giờ họ cảm thấy tự tin hơn và tiếp tục đầu tư”.

Các thương hiệu xa xỉ ban đầu cũng lo sợ thời trang đã qua sử dụng sẽ cạnh tranh với những sản phẩm nguyên giá của họ. Nhưng trên thực tế, hai nhóm đối tượng này hoàn toàn khác nhau. Nghiên cứu cho thấy thị trường thời trang đã qua sử dụng thu hút nhóm đối tượng trước đây chưa thể mua được sản phẩm nguyên giá. Mặt khác, thời trang đã qua sử dụng là điểm cộng cho ngành hàng xa xỉ vì nó chứng minh được chất lượng tốt vượt thời gian và truyền lại cho nhiều thế hệ, cũng như tạo được sự chú ý cho người tiêu dùng trẻ về thời trang bền vững. Trong khi đó, ngành cho thuê cũng có tiềm năng khi cho phép khách hàng, đặc biệt là khách hàng trẻ, có thể thử nhiều loại sản phẩm và phong cách khác nhau mà không bị “chôn vùi trong tủ” nếu món sản phẩm được mua không còn được yêu thích.

Tương tự như The RealReal và các ứng dụng bán hàng đã qua sử dụng khác đã lôi kéo nhiều thương hiệu xa xỉ vào cuộc chơi, sự gia tăng nhanh chóng của các ứng dụng cho thuê có thể sẽ thuyết phục được các thương hiệu xa xỉ đầu tư và có tiếng nói trong ngành dịch vụ mới mẻ này. Rent the Runway đã có hơn 750 thương hiệu hợp tác. Tuy chưa có thể ký với các thương hiệu tên tuổi, nhưng Rent the Runway đang ngày càng thu hút nhiều thương hiệu uy tín như Maison Margiela, Marni và Pyer Moss hoặc Altuzarra vào mùa thu này.

Thành công của Rent the Runway có được sau một thập kỷ có mặt trên thị trường. “Trong những ngày đầu, trước khi việc thuê trang phục được chấp nhận rộng rãi hoặc nhìn nhận thoáng như bây giờ, chúng tôi đã phải xây dựng niềm tin với các nhà thiết kế cũng như gia tăng lợi nhuận bằng việc tìm kiếm khách hàng mới và kênh cho thuê phù hợp”, Sarah Tam, Giám đốc Thương mại của Rent the Runway cho biết. Bà cũng cho biết thêm thương hiệu có thể hưởng lợi vì khách hàng có thể muốn mua lại sản phẩm sau thời gian thuê vì thấy phù hợp, cũng như phản hồi về mẫu mã và chất lượng sản phẩm. Những khách hàng thuê tháng trung bình thử 55 thương hiệu mới trong năm đầu. Và trong nhiều trường hợp Rent the Runway là khách hàng lớn nhất của thương hiệu về số lượng mua hàng.

Harrods hợp tác với My Wardrobe HQ (MWHQ) để thuê váy dự tiệc cả trên online và pop-up store với giá khởi điểm là 24 pounds. “Không ai muốn thấy một tương lai tụt hậu và nghĩa vụ phải trung thành với một sản phẩm thời trang”, bà Sacha Newall, đồng sáng lập MQHQ nhận xét.‌ ‌Nguồn: Harrods.

“Điều này một phần do sự xuất hiện của thương mại điện tử”,Christine Hunsicker, CEO của nhà cung cấp công nghệ cho thuê Caastle giải thích. “Thời trang xa xỉ rất chậm trong việc tham gia vào thương mại điện tử. Cho đến khi nền tảng bán hàng xa xỉ Net-a-Porter vào cuộc và gầy dựng được mối quan hệ mật thiết với khách hàng, họ mới nhận ra rằng họ cũng nên tham gia vào chăng? Thời trang xa xỉ chỉ vào cuộc khi nhận ra rằng họ phải theo kịp ‘thời đại’ trước khi khách hàng quay lưng”.

Các cửa hàng bán lẻ cũng đã vào cuộc. Hai tên tuổi hàng đầu ngành bán lẻ tại Mỹ là Neiman Marcus và Nordstrom cũng đã hợp tác với Rent the Runway, Bloomingdales để cho thuê thông qua Caastle; và nhà bán lẻ hàng đầu của Anh Selfridges cũng có dịch vụ cho thuê thông qua việc hợp tác với Hurr. Tuần trước Harrods đã cho ra mắt dịch vụ cho thuê với “các mẫu váy chưa từng thấy thời lockdown” từ thương hiệu Huishan Zang và Rotate.

Những khó khăn vẫn còn đó

Ông Neil Saunders, chuyên gia phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Globaldata nhận định, thời trang đi thuê là mô hình kinh doanh phức tạp hơn thời trang đã qua sử dụng, vì nó đòi hỏi cấu trúc định giá khác, cũng như quy trình cung ứng và làm sạch riêng biệt. Thành lập được 4 năm, Armorium, đơn vị cho thuê các mẫu từ sàn diễn của thương hiệu Christopher Kane và Maison Margiela, đã phải đóng cửa vào tháng 3 năm ngoái. Lý do là chi phí cao và tính phức tạp của việc quản lý mô hình cho thuê độc lập.

Thử thách này dẫn đến việc một vài startup cho phép các thương hiệu “xoá nhãn” với những công nghệ cho thuê trang phục. Caastle, viết tắt của “dịch vụ quần áo”, đã dùng công nghệ được tạo ra ban đầu dành cho công ty cho thuê trang phục Gwynnie Bee; gần đây đã ký với thương hiệu Ralph Lauren và cho ra mắt công cụ mới với tên gọi “BORROW“ (mượn) cho đối tác Vince trong trang sản phẩm của họ. Harrods cũng đang làm việc với nền tảng My Wardrobe HQ và Isabella West (nhà sáng lập và CEO của nền tảng cho thuê Hirestreet) để cho ra công nghệ tương tự như Hirestreet với tên gọi Zoa.

Có những tranh cãi về ý nghĩa “bền vững” cho hai mô hình kinh doanh trên. Thời trang cho thuê và đã qua sử dụng thường được quảng cáo là làm giảm chất thải hơn những sản phẩm mua mới bởi người tiêu dùng có thể chia sẻ; nhưng một số chi tiết cụ thể thường bị lảng tránh. Gần đây một nghiên cứu được công bố trên Environmental Research Letters đưa ra kết luận rằng một chiếc quần jeans đi thuê dẫn đến lãng phí hơn gấp nhiều lần do việc phải vận chuyển đến và từ khách thuê. Tuy nhiên tổ chức McKinsey and Global Fashion Agenda chỉ ra rằng việc tăng tuổi thọ của sản phẩm 1,8 lần (dựa vào mức thuê trung bình của vòng đời sản phẩm) có thể đóng góp vào việc giảm khí thải nhà kính.

Định nghĩa lại mô hình “cho thuê”

Phó Chủ tịch Cấp cao của Thredup, bà Pooja Sethi, khẳng định xu hướng dùng hàng thời trang đã qua sử dụng được cổ xuý bởi khách hàng. Bà cũng cho biết thêm quan niệm về hàng thời trang đã qua sử dụng đã có cú nhảy vọt khoảng 3 năm trở lại đây. “Tình hình thay đổi rất nhanh và đây chính là nơi các thương hiệu và các nhà bán lẻ có thể gặp gỡ khách hàng tiềm năng. Xu hướng này đang xảy ra cho dù thương hiệu có thích hay không. Và chúng tôi biết khách hàng tin tưởng những thương hiệu có dịch vụ liên quan đến thời trang bền vững như hàng đã qua sử dụng”.

Đây có thể là một tín hiệu tốt cho dịch vụ cho thuê. Ngay cả khi Saunders dự đoán lượng khách hàng cho loại hình này nhỏ hơn hàng đã qua sử dụng, tiềm năng vẫn hiện diện với 19% khách hàng có kế hoạch sử dụng dịch vụ này trong 5 năm tới (theo nghiên cứu của Globaldata). Trong đó Gen Z với 83% so với thế hệ 8X rất đồng tình với quan niệm việc sở hữu quần áo chỉ là tạm thời. Bằng chứng là khi mọi người quay lại với nhịp sống sau đại dịch với các buổi tiệc, sự kiện thì các nền tảng dịch vụ cho thuê đã “hụt hơi” với nhu cầu thuê tăng cao.

Vào tháng 3 năm nay, Chủ tịch và CEO của Ralph Lauren, ông Patrice Louvet nói rằng chương trình cho thuê của hãng với tên gọi ‘The Lauren Look’ là một thử nghiệm để tìm hiểu thêm “những ý kiến trực tiếp từ người tiêu dùng”.

Caastle đang mở rộng phần mềm “dịch vụ quần áo” để khách hàng có thể mượn. Điều này giúp các thương hiệu trên nền tảng Caastle (Vince, Rebecca Taylor và Rebecca Minkoff) có thể cho thuê từng sản phẩm, thay vì phải đăng ký dài hạn như chương trình hiện tại.‌ ‌Nguồn: Caastle.

Tuy không lo sợ về việc ‘tự dẫm lên chân mình’, các thương hiệu xa xỉ khá băn khoăn về yếu tố sở hữu độc quyền và bảo vệ thương hiệu, bà West nhận định từ nền tảng Hirestreet và sản phẩm Zoa. Để thuyết phục các thương hiệu xa xỉ, Hirestreet và Zoa đang lên kế hoạch định vị việc cho thuê như là một câu lạc bộ chỉ dành riêng cho một số thành viên.

Vướng mắc sau cùng cho các thương hiệu xa xỉ là việc tách rời từ “cho thuê” ra khỏi mô hình kinh doanh, bà Hunsicker của Caastle khẳng định. Thương hiệu sẽ có thể chuyển mô hình từ “mở rộng” quyền sử dụng đến nhiều khách hàng hơn sang giới hạn quyền sử dụng đến một nhóm khách hàng chọn lọc. Thương hiệu sẽ định nghĩa lại ý tưởng như là một đặc ân “cho mượn” hay “quyền sử dụng” để cho mượn những sản phẩm của mùa trước, tương tự cách các stylist mượn váy áo cho các ngôi sao mặc khi đi thảm đỏ, để duy trì sự trung thành của họ đối với thương hiệu, bà Hunsicker dự đoán.

Cũng như cách các thương hiệu xa xỉ từng quyết định lấn sân sang thời trang đã qua sử dụng, mối quan tâm của các thương hiệu xa xỉ đã thay đổi theo chiều hướng tích cực. “Họ đang tiến một bước đáng kể. Một số thương hiệu đang cố gắng đi trước một bước trong bước cờ cho thuê này”, bà Hunsicker cho biết. “Mục tiêu chính sẽ là gắn bó hơn với khách hàng của họ. Họ muốn có một dịch vụ mới để có thể duy trì mối quan hệ 10 năm, 20 năm, thậm chí 30 năm với khách hàng xa xỉ”.

Nhưng vào thời điểm hiện tại, mô hình cho thuê sản phẩm thời trang xa xỉ vẫn đang nằm trong những cuộc bàn thảo quan trọng.


Sau đây là phần chia sẻ của chị Phạm Thị Phương Uyên – nhà sáng lập và CEO Rentzy, chuyên cho thuê trang phục thiết kế tại TP.HCM về xu hướng đi thuê trang phục của khách hàng Việt.

* Chào Uyên, rất vui khi Uyên nhận lời chia sẻ trên trang mục “Thời trang bền vững” của Brands Vietnam về dịch vụ cho thuê trang phục còn rất mới mẻ này tại Việt Nam. Là một trong những người tiên phong trong dịch vụ này tại TP.HCM, Uyên nghĩ xu hướng này xuất hiện từ khi nào? Tiềm năng của dịch vụ này tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng?

Cảm ơn Brands Vietnam và chị Lan đã kết nối để Uyên có cơ hội được chia sẻ với cộng đồng.

Như chị cũng biết là dịch vụ cho thuê đồ cưới, quần áo biểu diễn, trang phục dự tiệc hoá trang… đã có mặt ở Việt Nam từ lâu và được chấp nhận rộng rãi. Nhưng việc cho thuê đồ mặc đi tiệc hoặc trong dịp đi chơi, đi làm vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam, cũng như ngay cả trên thế giới như chị đã đề cập ở trên.

Chị Phạm Thị Phương Uyên.‌ ‌Nguồn: Rentzy.

Ý tưởng thành lập Rentzy của em đến từ 3 lý do. Thứ nhất là từ nhu cầu có nhiều trang phục đẹp để đi sự kiện của bản thân. Em thấy việc đầu tư váy áo đắt tiền để mặc một lần đi dự tiệc rất tốn kém và lãng phí. Em tìm hiểu và thấy nhiều nước phát triển đã phát triển dịch vụ này như Rent The Runway ở Mỹ vào năm 2009 hay Style Theory, một startup ở Singapore và Indonesia năm 2016.

Thứ hai, vài năm trở lại đây các mạng xã hội (MXH) như Facebook, Instagram, TikTok... đã khiến việc “sống ảo” trở nên phổ biến, làm tăng nhu cầu chăm chút hình ảnh của các chị em phụ nữ, ví dụ như không muốn lặp lại trang phục mỗi khi đăng trên MXH. Để phục vụ nhu cầu này, phần lớn các chị em tham gia vào các hội nhóm thanh lý đồ hiệu để chọn những trang phục độc lạ, với chi phí không quá đắt. Tuy nhiên, các hội nhóm này thường từ các cá nhân, không có công ty uy tín đứng ra bảo đảm, nên dẫn đến những rủi ro khó lường về chất lượng và độ mới của sản phẩm.

Cuối cùng, có rất nhiều người em biết lúc nào cũng than vãn không có đồ để mặc, cho dù tủ đồ của họ luôn chật ních. Đây là bài toán nan giải của rất nhiều chị em phụ nữ khi những món đồ họ mua về không còn phù hợp hoặc đơn giản là họ đã chán với những kiểu đã chọn trước đây.

Do vậy đến năm 2019, khi thấy nhu cầu này đủ lớn, em quyết định mở Rentzy. Trải qua 2 năm hoạt động, em thấy tiềm năng của mô hình này rất lớn, không chỉ ở hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội, mà còn ở các tỉnh thành trên cả nước. Lý do là các khách hàng ở tỉnh ít có cơ hội tiếp xúc với các thương hiệu thời trang có tên tuổi hơn. Nếu mua online thì việc giá trị sản phẩm cao, rủi ro không vừa, không hợp dáng và quy trình đổi trả bất tiện sẽ làm họ e dè. Nên họ thấy đi thuê là giải pháp tốt để có trải nghiệm nhiều kiểu trang phục mà không tốn nhiều chi phí.

* Uyên có thể chia sẻ ý nghĩa của tên Rentzy và lý do Uyên gọi dịch vụ của mình là “Tủ đồ trên mây – Cloud Wardobe” không? Uyên quảng bá dịch vụ của Rentzy cho khách hàng tiềm năng bằng cách nào?

Rentzy là sự kết hợp của từ “Rent-Easy”, nghĩa là thuê một cách dễ dàng. Em muốn Rentzy là một nền tảng thuê sản phẩm thời trang để trải nghiệm thay vì sở hữu. Và nếu thực sự thích, họ có thể mua lại với giá ưu đãi hơn so với giá hãng.

Còn “Tủ đồ trên mây” bao gồm nhiều ý nghĩa. Đầu tiên là một tủ đồ mà hầu hết các cô gái đều mơ ước với rất nhiều sản phẩm chất lượng từ các thương hiệu được biết đến. Tiếp đến là sản phẩm luôn được cập nhật và làm mới mỗi ngày mà không chiếm diện tích tủ đồ của các chị em. Cuối cùng, “Tủ đồ trên mây” đến từ việc Rentzy ứng dụng nền tảng công nghệ qua app và website (sẽ được ra mắt vào tháng 8). Nền tảng này giúp khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn trang phục thông qua AI gợi ý dữ liệu, đặt lịch và theo dõi hành trình đơn hàng một cách chủ động.

Rentzy được quảng cáo trên Facebook, Instagam… trong những hội nhóm săn sản phẩm đã qua sử dụng và từ chính khách hàng – những người đã sử dụng dịch vụ, cảm thấy hài lòng và giới thiệu với bạn bè, người thân qua MXH của họ.

* Những thiết kế của Rentzy là thiết kế trong nước hay nước ngoài? Tại sao Uyên lại có sự lựa chọn này?

Hiện tại, Rentzy đang sở hữu “tủ đồ” với hơn 5.000 sản phẩm đến từ hơn 150 thương hiệu thiết kế của Việt Nam như Lane JT, Amy Store, Lobbster, Raffiné, Vananhscarlet Design, SHE, XITA, 21Six, RoseedeMatin, Dzung Biez, Must Have, Chats, Lam Khue Design, Wephobia… và một số ít các thương hiệu quốc tế như D&G, Guess, Balenciaga, Ralph Lauren, Gucci…

Hình khách hàng tag Rentzy trên MXH của họ.‌ ‌Nguồn: Rentzy

Ban đầu, em chọn các sản phẩm từ các thương hiệu có tiếng được nhiều khách hàng biết đến và yêu thích, để họ dễ dàng có sự so sánh giữa việc thuê sản phẩm và việc bỏ ra khoản tiền không nhỏ để sở hữu chúng (và có thể không mặc lại sau này). Sau khi khách hàng đã dần quen với dịch vụ này, em bắt đầu cộng tác với nhiều thương hiệu mới khác để giúp khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, các thương hiệu mới phải xây dựng được hình ảnh chuyên nghiệp trên chính website hay MXH của họ, thì khách hàng mới yên tâm chọn lựa, vì nó phản ánh giá trị cá nhân thông qua thương hiệu trang phục họ chọn.

* Rentzy có khó khăn gì từ các nhà thiết kế/ thương hiệu khi biết sản phẩm của mình sẽ được cho thuê không?

Ban đầu cũng có một số thương hiệu e ngại là mô hình của Rentzy sẽ làm giảm doanh thu của họ. Sau một thời gian thuyết phục, em đã chứng minh được rằng Rentzy là một đối tác giúp thương hiệu có thể bán sản phẩm với số lượng lớn (cho Rentzy như là một khách hàng), và là cầu nối giúp thương hiệu tiếp cận khách hàng, vì Rentzy công khai hình ảnh sản phẩm và tên thương hiệu của họ. Thực tế đã chứng minh rằng các thương hiệu có mặt tại Rentzy có mức độ nhận diện thương hiệu ngày càng tốt. Đồng thời thói quen đăng trên MXH cá nhân của khách hàng cũng giúp thương hiệu có những phản hồi tích cực về sản phẩm một cách chân thực nhất.

Ngoài ra, một số thương hiệu cũng thấy việc tự thành lập dịch vụ cho thuê sản phẩm của riêng họ sẽ làm giảm giá trị thương hiệu, nên việc hợp tác với Rentzy sẽ có lợi cho cả đôi bên.

* Uyên có thể miêu tả khách hàng của Rentzy như độ tuổi, thu nhập, ngành nghề, mục đích của việc tìm đến dịch vụ này?

Khoảng 70% khách hàng của Rentzy có độ tuổi từ 18-35, thu nhập trung bình khá, chủ yếu là nhân viên văn phòng, các KOLs, các đơn vị chụp ảnh, stylist, người mẫu, diễn viên, doanh nhân… Điểm chung của họ khi tìm đến Rentzy là mong muốn trải nghiệm nhiều phong cách thời trang khác nhau, muốn thay đổi ngoại hình thường xuyên do tính chất công việc như gặp gỡ khách hàng, nhưng không phải bỏ ra một số tiền lớn.

Khoảng 20% khách hàng trong độ tuổi 35-45 khi Rentzy bổ sung nhiều sản phẩm với phong cách nhã nhặn, thanh lịch. Và 10% là độ tuổi teen. Chị có thể ngạc nhiên nhưng các bạn gái trẻ hiện nay chú ý đến ngoại hình từ rất sớm và muốn tạo ấn tượng trong những dịp đặc biệt như buổi dạ tiệc tốt nghiệp Prom Night, tiệc sinh nhật…

* Uyên có nhận thấy sự thay đổi nhiều về đối tượng khách hàng lúc Rentzy bắt đầu hoạt động và hiện tại không?

Có sự thay đổi nhiều đó chị. Do khi mới thành lập, sản phẩm và phong cách của Rentzy cũng hạn chế hơn so với thời điểm hiện tại. Trong quá trình kinh doanh, nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, nhóm sản phẩm của Rentzy sau này đa dạng hơn nên thu hút được nhiều nhóm đối tượng khách hàng mới hơn. Với lại em nghĩ lúc đầu khi dịch vụ này chưa có, thì ít người nghĩ đến việc đi thuê trang phục. Sau này, họ thấy đây là một dịch vụ tiện lợi và tiết kiệm nên tham gia nhiều hơn và nhóm khách hàng cũng đa dạng hơn.

Khách hàng sử dụng dịch vụ Rentzy với túi đựng trang phục tái sử dụng nhiều lần.‌ ‌Nguồn: Rentzy.

* Rentzy có những gói sản phẩm nào? Uyên có thể cho biết đối tượng khách hàng của từng gói sản phẩm?

Hiện tại, em đang tập trung cho thuê trang phục là chính (khoảng 95%) vì trang phục vẫn là thứ đầu tiên khách hàng nghĩ đến khi muốn thay đổi phong cách thời trang. Để tránh tồn kho nhiều, em thường chọn mua size S và M để trưng bày vì đây là size phổ biến cho người Việt. Khi khách hàng có nhu cầu thì em sẽ đặt size phù hợp với khách.

Còn lại khoảng 5% là phụ kiện, giày dép và túi xách vì khách hàng cảm thấy họ có thể tự mua túi xách để sử dụng trong thời gian dài và có thể phối với nhiều trang phục khác nhau mà không cần thay đổi thường xuyên. Hiện tại cũng có một số khách hàng có nhu cầu mix-match trang phục với phụ kiện thuê, nên trong tương lai em sẽ nghĩ thêm về việc mở rộng loại sản phẩm này.

Khi mới bắt đầu thành lập, Rentzy tập trung vào dịch vụ thuê lẻ, với trang phục dành cho những dịp đặc biệt như váy dạ hội, váy đi tiệc, đồ du lịch, áo dài... Sau đó, em mở thêm gói thành viên dành cho khách hàng thân thiết như stylist, nghệ sĩ hay các bạn trẻ có công việc cần giao tiếp với khách hàng nhiều... Họ là những người đam mê thời trang và thích thay đổi diện mạo mỗi ngày nên rất ủng hộ gói thành viên này. Hiện tại Rentzy có 3 gói khác nhau: (1) Basic với 999.000đ/tháng được chọn 4 sản phẩm; (2) Define với 1.399.000đ/tháng được chọn 8 sản phẩm và (3) Fashionista với 1.999.000đ/tháng với sản phẩm không giới hạn, kèm miễn phí giao hàng, giặt hấp và ưu đãi gia hạn lịch thuê.

Ngoài ra, em còn có dịch vụ thanh lý dành cho khách hàng đã sử dụng dịch vụ của Rentzy, trong quá trình thuê họ yêu thích sản phẩm nào đó thì có thể mua lại mức giá ưu đãi. Hoặc đối với khách hàng chưa từng thuê tại Rentzy nhưng biết về sản phẩm và có nhu cầu mua với giá mềm hoặc tìm thấy sản phẩm chỉ sản xuất số lượng giới hạn và muốn sở hữu.

* Khách hàng khi đến với Rentzy có biết chính xác mình đang tìm gì không hay cần tư vấn? Rentzy có dịch vụ tư vấn stylist chuyên nghiệp không?

Theo quan sát, em thấy khoảng 90% khách hàng biết mình muốn gì vì họ đã tìm kiếm trên website trước đó. Nhân viên bên em chỉ tư vấn thêm về chính sách thuê và hướng dẫn đặt lịch thuê cho khách. Với các khách hàng quay lại sử dụng dịch vụ thì mọi việc đơn giản hơn nhiều, họ biết mình muốn mặc kiểu trang phục gì, thương hiệu nào và tiến hành đặt thuê trên trang của Rentzy luôn mà không cần tư vấn.

Còn khoảng 10% khách hàng cũng còn lưỡng lự chưa biết rõ mình muốn gì thì bên em có nhóm tư vấn để giúp họ.

Hình ảnh website vừa ra mắt của Rentzy.‌ ‌Nguồn: Rentzy

* Theo Uyên quan niệm của khách hàng Rentzy về việc đi thuê trang phục như thế nào?

Theo em thì 2 năm chưa đủ dài để dịch vụ này được chấp nhận rộng rãi như việc đi thuê đồ cưới hay trang phục biểu diễn. Khoảng 80% khách hàng ở các lứa tuổi khác nhau vẫn còn cảm thấy ngại ngùng và không muốn cho người khác biết là mình đi thuê trang phục vì tâm lý mặc cảm như không đủ khả năng tài chính nên mới đi thuê.

Tuy nhiên, cũng có khoảng 20% khách hàng, đặc biệt là khách hàng trẻ, rất thoải mái đăng hình lên MXH của họ và tag Rentzy. Có thể họ thấy dịch vụ thuê trang phục không chỉ để thoả mãn đam mê thời trang, mà còn thể hiện một lối sống mới, một sự chi tiêu thông minh.

* Họ có nghĩ rằng đây là một trong những yếu tố góp phần vào thời trang bền vững không?

Theo em nghĩ là chưa. Lợi ích về kinh tế vẫn là nguyên nhân chính để khách hàng chọn lựa dịch vụ này. Tuy nhiên em hy vọng là 80% người vẫn còn dè dặt như trao đổi ở trên sẽ cảm thấy thoải mái với sự lựa chọn kinh tế của mình.

Riêng ở Rentzy, em cũng cố gắng ưu tiên dùng các vật liệu có thể tái sử dụng nhiều lần như túi vải dệt, hộp giấy, hay đầu tư phương pháp xử lý trang phục giặt hấp, khử khuẩn tiết kiệm nguồn nước... Đây chỉ là những bước khởi đầu. Em biết mình còn nhiều việc phải làm để hướng đến thời trang bền vững.

* Ra đời không lâu sau thời điểm COVID-19, Uyên có thấy ngành dịch vụ này bị ảnh hưởng nhiều không? Uyên có lạc quan là Rentzy sẽ có nhiều cơ hội thời hậu COVID-19?

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến các sự kiện, buổi tiệc… trên thế giới và cả Việt Nam nên Rentzy nói riêng và ngành dịch vụ nói chung đều bị ảnh hưởng, không ít thì nhiều. Tuy nhiên, em cũng cảm thấy may mắn là trong giai đoạn dịch, Rentzy vẫn có một nhóm khách hàng tiếp tục duy trì và sử dụng dịch vụ cho mục đích quay phim, chụp ảnh trên các trang MXH hoặc tham gia các buổi họp, hội nghị hoặc sự kiện trực tuyến.

Trong thời gian “lặng” này, em tập trung vào việc cải thiện dịch vụ như mở rộng chủng loại sản phẩm và địa điểm kho hàng nhằm tối ưu việc vận chuyển, chuyên nghiệp hoá khâu xử lý kỹ thuật cho trang phục để tiết kiệm thời gian cho khách hàng. Đặc biệt là bên em vừa hoàn chỉnh website rentzy.vn với tương tác đơn giản để khách hàng có thể tìm thấy sản phẩm ưng ý nhanh chóng và có những trải nghiệm tốt hơn.

* Cảm ơn Uyên đã chia sẻ. Chúc em và Rentzy đạt nhiều thành công trong tương lai!